Bánh giò trinh lương, đặc biệt thơm ngon, 5 ngàn 1 chiếc đê...!
Chẳng
biết tự bao giờ mà nơi tôi ở lại có cái tên là làng Xốm. Thực ra, gọi là làng
cũng không đúng mà theo các cụ thì phải gọi là tổng Xốm gồm hai xã Phú Lãm và
Phú Lương với rất nhiều làng nhỏ, nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Có lúc người
ta đã ghi cái biển to đùng Thị tứ Xốm trên quốc lộ 21B rồi, nhưng sau đó, không
hiểu sao lại bỏ đi hai chữ Thị tứ. Còn người dân quanh vùng nay đã dần quen với
cái tên phố Xốm, nghe mới “lịch sự” làm sao. Chắc vì nơi đây tốc độ đô thị hóa
rất nhanh, mỗi năm một khác, và sinh hoạt của người dân cũng có vẻ phố phường lắm
rồi.
Nhưng
trong khi nhiều nghề phụ của làng như đan sọt, đi hàng xay hàng sáo, thợ nề, thợ
mộc... đang dần mất đi thì cái nghề làm bột lọc và bánh giò dường như lại rất
phát triển. Nhiều gia đình đã trở thành những địa chỉ cung cấp bột bánh có tiếng
cho các hàng quà Hà Nội. Bánh giò phố Xốm cũng theo chân những cô hàng quà sáng
len lỏi trong khắp phố phường thủ đô.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ xóm chùa thôn
Trinh Lương, phường Phú Lương, gia đình chị Nguyễn thị Tuy - anh Phan Viết Quân đã có đến gần 30 năm
sinh sống bằng nghề làm bánh. Không cửa hàng, biển hiệu vậy mà cái khoảnh sân nhỏ
của nhà chị chiều nào cũng tấp nập người ra vào ăn bánh hoặc mua bánh đem về.
Đông nhất là các bạn thanh niên, họ đến và đi đều ồn ào vui vẻ lắm, thường ngày
nhà chị chỉ bán hàng từ 13h đến 19h là nghỉ, nếu ai đến muộn chỉ còn cách là hôm sau đến lần
nữa. Thậm chí nhiều hôm đông khách còn không đủ chỗ cho thực khách ngồi ăn
bánh. Chỉ cần mấy cái bàn giữa sân là có thể ngồi quây quần bên rổ bánh vừa mới
“ra lò” còn nghi ngút khói.
Bánh Giò Trinh Lương |
Bánh giò trinh lương thường được ăn với dưa góp chua cay |
Để có sức hấp dẫn như vậy thật đáng phải kể đến những kinh nghiệm gia truyền của gia đình mà chị đã chia sẻ với tôi khi được hỏi: “Đầu tiên phải là quấy bột sao cho không được rắn quá lại càng không được nát. Còn nhân bánh thì dù mùa đông hay mùa hè nhà chị đều cố gắng làm nhân tươi vị thơm đậm, mỡ của thịt ngấm ngay vào vỏ bánh nên bánh ngon hơn hẳn. Chỉ có điều là sẽ không để được lâu nên thường phải dậy sớm chuẩn bị các nguyên liệu làm từ sáng sớm tinh mơ. Bánh làm xong vớt ra ngoài được ăn luôn khi còn nóng hổi, ngoài ra còn ăn kèm với dưa chuột ướp vị chua chua cay cay hòa quện với hương vị béo ngậy từ nhân bánh, vị mát của bột lọc nguyên chất từ gạo được sản xuất tại địa phương càng làm cho hương vị bánh đậm đà...khó quên
Bột lọc làm bánh giò được lấy tại đia phương - nơi có truyền thống làm ra loại bột này |
Bánh làm ra thường không kịp bán. Thường phải chờ lâu và đến sớm mới mua được |
Không gian của quán rộng và sạch đẹp |
Bên ngoài quan không có biển hiệu nhưng rất đông khách biết đến |
Tìm đến nhà ông Phạm Bá Hòe tôi còn được biết đây mới là một gia đình làm bột bánh (bột lọc để làm bánh giò) nhiều nhất và có tiếng nhất làng. Đã gần 30 năm nay kể từ khi cái nghề bột lọc truyền thống của làng Trinh Lương được khôi phục thì cũng là khoảng thời gian ông gắn bó với những chiếc bánh giò. Gia đình ông cũng là một trong những nhà bán bột bánh nhiều nhất cho các địa chỉ ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên...;
Cổng Làng Trinh Lương |
Đưa cho tôi xem một cuốn sổ
nhỏ với đầy đủ tên người, tên phố, với rất nhiều nhà hàng bánh giò có tiếng ở
thủ đô, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi mặt hàng bột lọc dân dã của làng Xốm
lại được nhiều nơi ưa chuộng đến vậy. Nào là bà Hồng ở làng Hồ, ngày lấy của
nhà ông đến hơn chục cân bột, thường làm bánh bán ở phố Nguyễn Siêu. Rồi cô Mai
ở Ngã Tư Sở thì làm và bán bánh luôn tại nhà. Còn cô Hương thì làm bánh giò bán
kèm giò chả ở khu chợ Bưởi. Bột bánh nhà ông còn có mặt ở tận Hàng Đồng cho đến
bên Phúc Xá. “Bột ngon nên mới giữ được nhiều mối khách quen và buôn bán lâu
dài được cô ạ!” - ông tâm sự với tôi như vậy mà không dấu vẻ tự hào về làng nghề
truyền thống của mình lắm.
Nghe ông nói về kinh nghiệm chọn gạo mới thật là có
nhiều thông tin thú vị: gạo vụ chiêm bao giờ cũng nhiều bột hơn gạo vụ mùa. Làm
bằng gạo Q5 là hợp nhất, bột vừa dai lại dòn. Mùa nóng thì chỉ cần ngâm gạo độ
1 giờ nhưng đến mùa lạnh thì phải vài giờ mới xay được. Xay xong thì phải giã,
giã rồi lại ép khô, cuối cùng mới cho vào vại để lọc bột. Chiếc bánh giò ngon
hay không phụ thuộc nhiều lắm vào mẻ bột hôm ấy. Ngồi nói chuyện cũng lâu nhưng
tôi vẫn cố đợi để thưởng thức cho bằng được những chiếc bánh giò vừa mới gói.
Thật là một món quà ngon miệng mà người ta có thể ăn đến no. Nếu bạn có dịp về
Hà Đông xin hãy rẽ qua phố Xốm tìm đến con đường bê tông nhỏ dẫn vào làng Trinh
Lương để tự tay mình gắp ra khỏi nồi những chiếc bánh giò ngon lành và ăn bánh
ngay trên chiếc “đĩa” lá chuối tươi.
Địa chỉ quán bánh giò Trinh Lương:
Số nhà 17, Ngõ ra chùa làng Trinh Lương
Điện thoại: 0988 250 416 (click vào để gọi)
Link bản đồ: https://goo.gl/maps/Q4AMgtvyJzo
Bản Đồ Đến Quán Bánh Giò Trinh Lương |